Bệnh bạch biến là một rối loạn gây ra sự không đều màu trên da. Sự thiếu thông tin về bệnh bạch biến đã gây ra nhiều khó khăn trong điều trị và khiến người bệnh mặc cảm, tự ti. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ về bệnh bạch biến cũng như cách điều trị bệnh hiệu quả.

Bệnh bạch biến là gì? Các loại bệnh bạch biến

Hiện nay trên thế giới có khoảng 1% dân số mắc bệnh bạch biến. Đây là con số không hề nhỏ, nhưng có rất ít người nắm rõ về bệnh lý này.

Bệnh bạch biến là một chứng rối loạn sắc tố khiến da bị mất màu và chuyển sang màu trắng. Các vùng trắng mịn có kích thước dưới 5mm thì gọi là dát, nếu lớn hơn 5mm thì được gọi là mảng. Bệnh bạch biến có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên da nhưng bệnh thường xuất hiện ở vùng da mặt, cổ, bàn tay và các nếp gấp. Khi bị bạch biến, lông trên cơ thể cũng có thể chuyển sang màu trắng. Các vùng da bị bạch biến có thể lan rộng theo thời gian nếu bạn không có biện pháp điều trị phù hợp.

Có rất nhiều cách phân loại bệnh bạch biến. Kiểu phân loại theo vị trí xuất hiện thường được sử dụng. Cụ thể bạch biến gồm có 2 loại:

– Bạch biến thể khu trú: Các mảng trắng chỉ ảnh hưởng tới một bên của cơ thể.

– Bạch biến thể lan tỏa: Triệu chứng thường xuất hiện ở cả hai bên cơ thể theo kiểu đối xứng.

Bạch biến thể lan tỏa phổ biến hơn và chiếm khoảng 90%.

Bệnh bạch biến thể lan tỏa có tính chất đối xứng 2 bên cơ thể

Nguyên nhân gây bệnh bạch biến

Melanin là tế bào biểu bì tạo hắc tố có nhiệm vụ mang lại màu sắc cho làn da. Trong bệnh bạch biến có sự thiếu hụt sắc tố melanin trên da, lông và tóc. Một số lý do dẫn tới việc thiếu hụt hắc tố này như:

Rối loạn miễn dịch

Rối loạn miễn dịch là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh bạch biến. Hệ miễn dịch bị rối loạn, thay vì tấn công các tế bào lạ (virus, vi khuẩn,…) thì chúng lại tấn công chính các tế bào, mô khỏe mạnh của cơ thể. Trong bệnh bạch biến, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công các tế bào da melanocyte (thành phần tạo ra sắc tố melanin) dẫn tới hiện tượng đổi màu da.

Yếu tố di truyền

Có khoảng 30% trường hợp mắc bệnh bạch biến di truyền từ người thân trong gia đình. Do đó, nếu người thân của bạn mắc bệnh bạch biến sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh của bạn.

Yếu tố sinh thần kinh

Một số chất được giải phóng từ đầu dây thần kinh trên da có thể gây độc đối với tế bào melanocyte. Đây là nguyên nhân thường gặp gây bạch biến thể khu trú.

Tác động từ môi trường bên ngoài

Một số tác động từ môi trường bên ngoài như căng thẳng, cháy nắng nghiêm trọng hoặc tiếp xúc gần với hóa chất độc hại có thể gây khởi phát bạch biến.

Bệnh bạch biến thường do rối loạn miễn dịch, di truyền, tiếp xúc hóa chất,…

Dấu hiệu, hình ảnh bệnh bạch biến

Các triệu chứng thường gặp của bệnh bạch biến như:

– Da bị mất màu và loang lổ, thường xuất hiện ở bàn tay, mặt và các vùng xung quanh vết thương hở trên cơ thể, bộ phận sinh dục.

– Làm trắng/bạc tóc sớm, lông mi, lông mày, râu.

– Mất màu ở niêm mạc bên trong miệng, mũi.

Bệnh bạch biến có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện trước tuổi 30. Bạch biến không gây đau đớn nhưng các mảng da trắng thường dễ bắt nắng và bỏng rát. Một số người mắc bệnh bạch biến có thể bị ngứa, thậm chí triệu chứng ngứa xuất hiện trước khi vùng da đó bị biến màu.

Chẩn đoán bệnh bạch biến như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh bạch biến, chuyên gia sẽ hỏi và thăm khám ngoài da để làm rõ một số thông tin như:

– Tiền sử mắc bệnh bạch biến trong gia đình.

– Tiền sử mắc bệnh tự miễn trong gia đình.

– Vùng da trước đây đã gặp các tổn thương như cháy nắng, phát ban, bỏng hóa chất hay chưa?

– Bạn có nhạy cảm với ánh nắng hay nhiệt độ hơn không?

– Bạn đã sử dụng biện pháp điều trị nào?

Một số phương pháp chẩn đoán khác có thể được chỉ định như:

– Soi da bằng đèn Wood: Đèn Wood phát ra tia UV giúp quan sát làn da một cách kỹ lưỡng hơn. Đèn được đặt cách xa da 10 – 13 cm và tiến hành trong phòng tối. Phương pháp này giúp chuyên gia da liễu chẩn đoán phân biệt bạch biến với một số bệnh lý khác như lang ben.

– Xét nghiệm máu: Tìm kiếm nguyên nhân tự miễn.

Soi da dưới đèn Wood thường được dùng để chẩn đoán bạch biến

Bệnh bạch biến có nguy hiểm không? Có chữa được không?

Bệnh bạch biến chỉ làm thay đổi màu sắc trên da mà không gây đau đớn cho người mắc. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, vùng da bạch biến sẽ lan rộng và ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ, khiến người mắc tự ti, mặc cảm. Do đó, đa phần người bị bệnh bạch biến thường mắc kèm bệnh về tâm lý.

Ngoài ra, bệnh bạch biến đôi khi có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng như:

– Vùng da bị bạch biến mỏng hơn và dễ bị cháy nắng. Do đó, người mắc bạch biến phải sử dụng kem chống nắng cho chỉ số chống nắng cao.

– Người mắc bạch biến có thể bị viêm mống mắt, viêm lớp giữa của mắt (viêm màng bồ đào), giảm thị lực.

– Giảm thính lực.

Hiện nay không có biện pháp nào chữa khỏi bệnh bạch biến, mục tiêu điều trị là đồng nhất màu da bằng cách tái tạo sắc tố hoặc giảm sắc tố ở các vùng da còn lại.

Cách chữa trị bệnh bạch biến hiệu quả nhất hiện nay

Điều trị bệnh bạch biến cần phải kết hợp điều trị trên da và tâm lý cho người mắc.

Dùng thuốc cải thiện vùng da bạch biến

Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc để tái tạo sắc tố. Một số thuốc được được sử dụng như:

-Corticoid dùng đường uống hoặc tại chỗ (bôi ngoài da). Việc sử dụng corticoid cần được theo dõi cẩn thận bởi thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như mỏng da, rạn da khi sử dụng trong thời gian dài.

-Các dẫn chất của vitamin D dùng tại chỗ.

– Thuốc điều hòa miễn dịch dùng tại chỗ như chất ức chế calcineurin.

Dùng thuốc để tái tạo sắc tố và điều hòa miễn dịch trong bệnh bạch biến

Liệu pháp ngụy trang vùng da bị bạch biến

Người mắc bệnh bạch biến có thể sử dụng các biện pháp sau để ngụy trang vùng da bị bệnh như:

– Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30 để bảo vệ da trước tia cực tím. Dùng kem chống nắng cũng giúp giảm thiểu hiện tượng bị rám nắng.

– Trang điểm sẽ giúp da đều màu hơn khi người bệnh đi ra ngoài. Đây không phải là liệu pháp điều trị bạch biến nhưng nó giúp che phủ tốt và người bệnh có thể tự tin trước mọi người..

– Sử dụng thuốc nhuộm tóc nếu bệnh khiến thay đổi màu tóc.

– Có thể sử dụng liệu pháp giảm sắc tố với thuốc Monobenzone khi các mảng bạch biến đã lan rộng. Thuốc này được sử dụng cho vùng da lành để chúng được đều màu hơn với các vùng da khác.

Liệu pháp quang trị liệu cho người bệnh bạch biến

Sử dụng tia UV cũng thường được lựa chọn để điều trị bệnh bạch biến. Cụ thể:

– Tia Laser Excimer phát ra các tia cực tím với bước sóng ngắn tốt hơn cho người mắc bạch biến không có tổn thương lan rộng.

– Psoralen đường uống và UVA cho thấy hiệu quả trên những vùng da rộng ở đầu, cổ, thân, cánh tay trên và chân.

Tia UVA và UVB có hiệu quả trong điều trị bệnh bạch biến

Phẫu thuật trên vùng da bị bạch biến

Ghép da tự thân là phương pháp sử dụng các vùng da lành của người bệnh để ghép lên vùng da bị bạch biến. Một số biến chứng có thể xảy ra khi ghép da như nhiễm trùng và để lại sẹo rộng.

Phương pháp vi sắc tố (xăm) thường được áp dụng cho vùng môi của người mắc bạch biến.

Tư vấn tâm lý cho người bệnh bạch biến

Bệnh bạch biến không gây đau đớn nhưng ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người mắc. Người bệnh bạch biến thường rất tự ti về ngoại hình, có lối sống thu mình và mặc cảm. Do đó, cộng đồng và gia đình cần đồng cảm,  động viên những người mắc bệnh bạch biến.

Ngoài ra, việc tham gia vào nhóm những người mắc bệnh bạch biến sẽ giúp người bệnh hòa nhập, lấy lại sự tự tin, giảm tâm lý bị kỳ thị, đối xử.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bạch biến

Có nhiều công bố về chế độ ăn hợp lý có thể phòng ngừa hoặc hỗ trợ kiểm soát bệnh bạch biến không lan rộng. Tuy chưa có nghiên cứu rõ ràng nhưng các nhà khoa học đều công nhận chế độ ăn khoa học giúp kiểm soát bệnh bạch biến hiệu quả hơn.

Bệnh bạch biến nên ăn gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch biến là rối loạn hệ thống miễn dịch, do đó, các thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch có hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh. Một số thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch chứa phytochemical, beta – caroten và chất chống oxy hóa như:

– Hoa quả: Chuối, táo.

– Rau xanh: Rau cải xoăn, xà lách.

– Đậu gà.

– Rau củ: Củ cải đường, cà rốt,…

– Quả sung, chà là.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng những thực phẩm sau giúp giảm nguy cơ mắc bạch biến theo di truyền:

– Hỗn hợp chiết xuất từ chanh và húng quế ngọt.

– Ginkgo biloba.

– Hỗn hợp nghệ và dầu mù tạt.

Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh.

Bệnh bạch biến kiêng ăn gì?

Không có chế độ ăn kiêng nào dành cho người bệnh bạch biến. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh có thể trở nên tồi tệ khi ăn phải một số thực phẩm, đặc biệt là chất giảm sắc tố hydroquinones. Dưới đây là một số thực phẩm mà người mắc bệnh bạch biến nên tránh xa:

  • – Rượu, cà phê, sữa đông.
  • – Quả việt quất, cam, quýt, quả lý gai, nho, lê.
  • – Dưa muối.
  • – Thịt đỏ, cá.
  • – Lúa mì, cà chua.

Bệnh bạch biến có lây không? Cách phòng chống bệnh bạch biến

Bệnh bạch biến không lây, do đó chúng ta không cần lo lắng khi tiếp xúc với người mắc bệnh bạch biến.

Nguyên nhân chủ yếu gây bạch biến là do miễn dịch. Vì thế, rất khó để phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây khởi phát bệnh sẽ giúp bạn phòng bệnh hiệu quả. Một số biện pháp được khuyến cáo như:

  • – Tránh phơi mình dưới trời nắng nóng hoặc lâu.
  • – Có biện pháp bảo vệ khi tiếp xúc với hóa chất.

Phòng ngừa khởi phát bạch biến bằng cách hạn chế phơi nắng

Bệnh bạch biến không chỉ gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh, mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên da như cháy nắng, viêm mống mắt, giảm thính lực,… Do đó người mắc bạch biến cần có biện pháp bảo vệ da, tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống phù hợp,… để giảm nguy cơ bệnh tiến triển.

Nguồn: https://vaynen.co/bai-viet/phuong-phap-dieu-tri/benh-bach-bien—hieu-dung-de-dieu-tri-hieu-qua.html

Tin Liên Quan