Bạch biến tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến sự tự tin của người mắc. Nhận biết sớm những dấu hiệu bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh sẽ giúp cho việc điều trị diễn ra dễ dàng hơn.

Vậy làm thế nào để biết được con mình bị bệnh bạch biến? Dấu hiệu bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Bệnh bạch biến là gì?

Bệnh bạch biến là một bệnh rối loạn về da có ảnh hưởng đến tế bào melanocyte có chức năng sản xuất ra sắc tố melanin. Trong cơ thể của người bệnh bạch biến, các tế bào melanocytes không thể sản xuất ra sắc tố melanin do đã bị phá hủy. Điều này làm cho bệnh nhân bạch biến xuất hiện các đốm hoặc mảng da nhạt màu, do những vùng da này đã mất đi tế bào sản sinh sắc tố.

Bệnh bạch biến tạo ra những đốm da nhạt màu trên cơ thể

Bệnh bạch biến thường được chia thành 3 loại:

+ Bạch biến khu trú: Đây là trường hợp các đốm trắng trên da có kích thước nhỏ.

+ Bạch biến lan tỏa: Đây là trường hợp thường gặp nhất ở các bệnh nhân bạch biến. Các vùng da nhạt màu xuất hiện ở hai bên cơ thể, lan rộng và đối xứng với nhau.

+ Bạch biến đứt đoạn: Ở trường hợp này, đốm da bạch biến chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể nhưng vẫn có kích thước tương đối rộng.

Bạch biến không phải là căn bệnh nguy hiểm, nó chỉ để lại những đốm trắng trên da. Hầu hết những đứa trẻ mắc bệnh này đều có thể lớn lên một cách bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên, do những đốm trắng nổi bật trên da tạo nên sự khác biệt nên hầu hết những người mắc bệnh bạch biến đều trở nên tự ti, khép kín và ngại giao tiếp hay xuất hiện trước đám đông. Vì thế, việc điều trị ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh có thể phần nào giải quyết được vấn đề này.

Những dấu hiệu bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh

Cũng như những bệnh nhân khác, bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh đặc trưng bởi những vùng da nhạt màu hơn hẳn so với màu da cơ thể.

Thông thường, những đốm da nhạt màu hay xuất hiện ở các vùng cơ thể sau:

– Vùng da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời như mặt, hai cánh tay.

– Vùng da có nếp gấp, ví dụ: Khuỷu tay, đầu gối, phần bẹn.

– Vùng da xung quanh những khu vực có lỗ tự nhiên của cơ thể như: Rốn, mắt, mũi, vùng sinh dục.

– Tóc, lông mi, lông mày có màu trắng cũng có thể là dấu hiệu bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh.

Dấu hiệu bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh thường rất dễ nhận thấy

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ có làn da sẫm màu sẽ dễ mắc bệnh bạch biến hơn so với những đứa trẻ có da sáng màu. Việc dự đoán sự tiến triển của các đốm bạch biến trên da trẻ sơ sinh là rất khó. Đôi khi các mảng da nhạt màu sẽ ngừng lan rộng mà không cần sự can thiệp điều trị. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu của bệnh bạch biến, ba mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi điều trị để ngăn cản sự lan rộng của các đốm bạch biến.

Phương pháp điều trị bệnh bạch biến ở trẻ em

Cho đến nay, y học hiện đại vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh bạch biến. Các phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là dùng thuốc để làm tăng cảm ứng với ánh nắng và kết hợp với chiếu tia cực tím. Hiện tại có các phương pháp chính thường được sử dụng là:

– Quang trị liệu: Chiếu tia UVA và tia UVB dải hẹp là hai phương pháp quang trị liệu được áp dụng phổ biến trong điều trị bạch biến ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tia UVB dải hẹp được sử dụng rộng rãi hơn bởi tác dụng phụ của tia UVB dải hẹp được cho là ít hơn so với tia UVA.

– Cấy tế bào sắc tố vào vùng da bạch biến: Phương pháp này hoạt động bằng cách loại bỏ một mẫu da có sắc tố bình thường trên cơ thể của trẻ và sử dụng nó để phát triển các tế bào hắc tố mới trong phòng thí nghiệm. Sau đó, dùng chúng để cấy trở lại vào vùng da bị mất sắc tố để trả lại một số màu bị thiếu.

– Ghép da: Đây được cho là một trong những phương pháp điều trị bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng liệu pháp ghép da nếu như vùng da ảnh hưởng khu trú, không có dấu hiệu lan rộng và chỉ nên sử dụng cuối cùng nếu các phương pháp khác không phát huy hiệu quả cải thiện được làn da của bé.

Hiệu quả của các phương pháp điều trị trên không giống nhau ở mỗi đứa trẻ. Có thể phương pháp này mang đến sự thay đổi cho trẻ này, nhưng lại không có nhiều tác dụng đối với trẻ khác. Ngoài ra, như đã nói ở trên, không có cách trị khỏi hoàn toàn bệnh bạch biến. Vì thế, ba mẹ cần chuẩn bị tinh thần để cùng con vượt qua thử thách của căn bệnh này trong chặng đường con lớn lên.

Ba mẹ nên dạy trẻ cách trân trọng sự khác biệt của mình

Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, ba mẹ nên giúp trẻ đối mặt với những vấn đề cảm xúc và tâm lý. Thể hiện tình yêu đối với trẻ để trẻ hiểu rằng trẻ vẫn sẽ nhận được sự yêu quý dù cho có sự khác biệt về màu da. Dạy trẻ cách trân trọng sự khác biệt của bản thân để trẻ không còn sự tự ti. Luôn quan tâm đến cảm xúc của trẻ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu lo lắng, trầm cảm.

Trên đây là một số thông tin về bệnh bạch biến nói chung và dấu hiệu bệnh bạch biến ở trẻ sơ sinh nói riêng. Mong rằng bài viết này đã mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích.

Nguồn: https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/nhan-biet-som-dau-hieu-benh-bach-bien-o-tre-so-sinh-59231.html

Tin Liên Quan