Tại Việt Nam, bệnh bạch biến vẫn chưa được nhiều người biết tới và còn những sự kỳ thị không đáng có với người không may mắc phải căn bệnh này.

Xinh đẹp và thân thiện. Không ai nghĩ cô gái Nguyễn Hồng Hạnh (trú tại Lào Cai) từng phải trải qua hơn 20 năm kí ức với bao nước mắt về căn bệnh mang tên bạch biến.

Chị cho biết: quãng thời gian cấp hai của chị là địa ngục. Bởi hằng ngày đến lớp chị luôn phải chịu đựng những lời trêu chọc, cô lập, kỳ thị của bạn bè. Từ đó, chị rất ghét đi đến lớp, mặc cảm, tự ti vì bản thân khác với mọi người.

Còn với chàng trai Nguyễn Văn Thắng (trú tại Đan Phượng, Hà Nội), nỗi ám ảnh của những vết loang trên cơ thể lại do chính anh tạo ra và tự dày vò cuộc sống. Vì sự khác biệt mà chính anh tạo ra áp lực cho bản thân, tự thu mình lại lẩn tránh khỏi xã hội.

Hầu hết các bệnh nhân bạch biến đều có tâm lý tự ti, e ngại dẫn đến những khó khăn, hệ lụy. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số bệnh nhân bạch biến chiếm 5 – 10% trong số bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Bệnh xuất hiện với các đốm trắng, loang lổ khắp cơ thể. Đây là căn bệnh cần điều trị lâu dài, thế nhưng rất ít trường hợp tuân thủ phác đồ và sai lầm trong điều trị.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Người bệnh bạch biến một là không để ý, hai là vì tự ti, trốn tránh nên điều trị muộn. Một số trường hợp có điều trị thì lại điều trị ở những cơ sở tự mách nhau làm tổn thương nặng nề hơn cho người bệnh, đôi khi còn gây bỏng”.

Cũng theo PGS.TS Doanh, bạch biến không phải bệnh truyền nhiễm và có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Tùy theo mức độ thể bệnh, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng là tâm lý của người bệnh tốt sẽ đạt được hiệu quả điều trị cao. Hơn hết, người bị bạch biến rất cần sự đón nhận và yêu thương của cộng đồng.

Nguồn: https://vtv.vn/suc-khoe/noi-mac-cam-cua-benh-nhan-bach-bien-va-kho-khan-trong-dieu-tri-20190624213937125.htm

Tin Liên Quan